Doanh nghiệp trông chờ chính sách khi lạm phát thấp
Doanh nghiệp trông chờ chính sách khi lạm phát thấp
Doanh nghiệp trông chờ chính sách khi lạm phát thấp
Trong điều kiện giá cả ít biến động, các chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp có được hưởng lợi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng linh hoạt của chính sách. - CPI giảm sau 7 tháng
Trái với quy luật thường thấy trong những tháng cuối năm, khi chỉ số giá tiêu dùng thường có xu hướng tăng cao, CPI tháng 11 được Tổng cục Thống kê công bố giảm 0,27%.
Chia sẻ với Vnexpress, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đây là điều đáng mừng cho nền kinh tế, cho thấy các điều kiện vĩ mô đã ổn định hơn. Trước đó, lạm phát cao từng được ví là thứ "thuế vô hình" đối với người dân và doanh nghiệp.
Trong số các nguyên nhân góp phần giúp lạm phát thấp, ông Doanh nhấn mạnh đến yếu tố giá dầu trên thế giới liên tục giảm, giúp giá bán lẻ trong nước giảm tổng cộng 10 lần kể từ đầu năm đến nay. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam được hưởng lợi từ việc nhập khẩu một số mặt hàng như phân bón, các sản phẩm sản xuất từ dầu lửa…
Tổng cầu vẫn chưa được cải thiện khiến doanh nghiệp chưa thể mở rộng kinh doanh, ông Doanh cho biết. Ảnh: Thành Tâm
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng lạm phát thấp không chỉ trong năm nay mà sẽ còn duy trì trong năm 2015.
Dù vậy ông Sơn cho biết, dự báo lạm phát tăng hay giảm đều không quan trọng bằng việc đưa ra các cách thức sẵn sàng ứng phó với tình hình. "Trong đó có tình huống lạm phát thấp khả năng sẽ kéo dài từ nay đến năm 2015", vị này nói.
Ông Sơn nhận định, lạm phát giảm sẽ kéo chênh lệch lãi suất thực và danh nghĩa rộng ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ đổ vào Việt Nam. Trong khi đó, chính sách tỷ giá đang tương đối ổn định, các cơ quan quản lý cần đưa ra giải pháp vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa tránh tình trạng chênh lệch lãi suất và tỷ giá.
Theo Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, rất khó trả lời câu chuyện lạm phát tác động tiêu cực hay tích cực đến doanh nghiệp như thế nào. "Việc doanh nghiệp được hưởng lợi từ lạm phát giảm hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng chính sách", ông nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, lạm phát giảm chưa hẳn "vui mừng hoàn toàn". Vị này nhận định thực tế tổng cầu nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện, người dân không dám chi tiêu khiến doanh nghiệp không thể mở rộng kinh doanh.
"Lạm phát giảm là một thành tựu đáng mừng nhưng cần thiết thúc đẩy cầu tăng hơn nữa. Muốn vậy phải tăng năng suất lao động để người dân có thêm thu nhập may ra mới cải thiện được tình hình trong thời gian tới", chuyên gia nói.
Thành Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét