Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Một mình ở châu Âu
09:08

Một mình ở châu Âu

Một mình ở châu Âu

Một mình ở châu Âu

Một cuốn sách viết về hành trình của người tìm kiếm lời giải, học cách đối mặt và thoát khỏi những bế tắc thực tại.

  • Phan Việt: 'Cái bất định của văn chương hấp dẫn tôi'

Tên sách: Một mình ở châu Âu
Tác giả: Phan Việt
Nhã Nam và NXB Trẻ thực hiện

Có thể tóm tắt ngắn gọn vài dòng về câu chuyện trong cuốn sách mới ra mắt của Phan Việt: Một phụ nữ Việt Nam sống tại Mỹ trong một cuộc hôn nhân đầy cảm giác bất an. Cô quyết định đi châu Âu một mình. Đây là tập đầu tiên trong bộ sách có tên chung "Bất hạnh là một tài sản".

Nhưng “Bất hạnh là một tài sản” không phải là những cuốn sách kể lể về sự bất hạnh. Đó là sách viết về hành trình của một người tìm kiếm lời giải, học cách đối mặt và thoát ra khỏi những bế tắc thực tại.

bia-sach-mot-minh-o-chau-au-jpg-13629859
Bìa sách "Một mình ở châu Âu".

Chúng ta vẫn hình dung những bất hạnh trong đời người đến từ những hoàn cảnh riêng biệt, những nghịch cảnh hay những bi kịch lớn lao nào đó. Nhưng kỳ thực sự bất hạnh mà chúng ta gánh chịu có tính phổ quát hơn nhiều. Đời sống của chúng ta bị bào mòn bởi những điều nhỏ nhặt, những bất an và sợ hãi không thể gọi tên, những thứ mà khi kể lại chính mình cũng có thể “cười chảy cả nước mắt”. Bởi vì “hình như tất cả những câu chuyện kể lại đều lãng mạn hơn, bớt đau lòng hơn lúc chúng đang diễn ra”.

Hầu hết chúng ta sẽ học dần thỏa hiệp để lờ đi những mất mát, học cách chối bỏ những đòi hỏi thuộc về mình. Chúng ta cam chịu những điều đó lâu đến mức quên mất sự tồn tại của nó. Nhưng mọi sự chối bỏ, dù luôn là một lựa chọn dễ dàng, sẽ không bao giờ là một giải pháp. Hạnh phúc thật sự sẽ không hiện diện trong đó, bất chấp chúng ta có tự đánh lừa mình.

Nhân vật của “Bất hạnh là một tài sản” đã có một lựa chọn dũng cảm, dù có thể vào lúc đó cô chưa nhận thấy điều đó. Hành trình đi qua các quốc gia châu Âu không chỉ là một chuyến du lịch, mà còn là một hành trình tìm lại chính mình, tìm lại rất nhiều thứ tưởng chừng đã đánh mất, một mình suy nghĩ và đối mặt với nỗi sợ hãi của mình để nhận ra “nỗi sợ bất hạnh là nỗi sợ hãi phí phạm nhất đời người”.

“Những ngày tháng một mình ở châu Âu làm cho tôi hiểu rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại. Quan trọng nhất, tôi có thể hạnh phúc kể cả khi tôi một mình. Bất chấp những năm tháng qua, tôi vẫn còn có khả năng rung động, vẫn còn có thể nghe, nhìn, và cảm thấy cuộc sống xung quanh, tôi còn chưa đóng băng như tôi tưởng… “ và “Sự thật là không một ai nên hoặc có thể chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu”.

Ngay đầu sách, tác giả cho biết, đây là một câu chuyện có tính hồi ký, những ghi chép từ ký ức của mình, sự thật của mình. Nhưng sự chân thực, không sa vào trách móc hay tự bào chữa cho mình làm cuốn sách trở thành một tiểu thuyết thực sự với người đọc thay vì một cuốn hồi ký đơn thuần. So sánh có thể khập khiễng, nhưng điều này làm tôi nhớ đến cuốn hồi ký “Tuổi thơ” của Nathalie Sarraute.

Cũng có thể vì mới là phần đầu nên chúng ta chưa thực sự gặp những xung đột thật sự, tác giả mới hé lộ thấp thoáng những bi kịch. Dẫu vậy, chúng đã mang lại những cảm giác bất an về những xung đột sẽ đến trong hành trình tiếp theo của cô. Cũng vì vậy, thiết tưởng cũng nên nói thêm là trong cuốn sách đầu tiên này bạn đọc hãy tranh thủ tận hưởng cả không khí và vẻ đẹp của văn hóa, con người châu Âu được kể đến trong cuốn sách, bằng một giọng văn đẹp, giản dị và lối kể chuyện cuốn hút, hài hước, giàu tư duy, đầy sự tò mò. Qua từng trang sách, độc giả cũng bị tác giả cuốn hút vào một mối tình dịu dàng với cuộc sống.

Trí Vĩnh
 

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét